Giàu dinh dưỡng và có vị béo ngậy, bơ sáp được xem là trái cây nổi bật của mùa hè. Trái bơ chín có thể ăn trực tiếp, làm sinh tố bơ hay kem bơ đều rất ngon. Tuy nhiên, bơ sáp có một đặc điểm là chín đồng loạt và rất dễ hỏng nếu không bảo quản đúng cách.
Bơ sáp DakLak già quả, chuẩn bị chín.
Qua chia sẻ sau đây, Mật Ong Tây Nguyên sẽ hướng dẫn cách dùng và bảo quản bơ sáp ngon nhất. Hi vọng, bạn sẽ không gặp phải tình trạng bơ chín hỏng, thịt bơ bị xơ đen như trước nữa.
1. Lưu ý khi chọn bơ sáp ngon.
Nói đến bơ sáp bạn phải nghĩ ngay tới DakLak. Bởi do đặc trưng khí hậu nơi đây trồng được những loại bơ sáp thơm ngon nhất, mà bất kỳ tỉnh thành nào tại Việt Nam đều thua kém xa. Bơ sáp Đắk Lắk còn nổi tiếng gần xa bởi ruột bơ vàng, dẻo và béo ngậy.
Thông thường khi chọn bơ sáp bạn nên chọn những quả già, cầm nặng tay, vỏ bóng mịn. Bên cạnh đó, cuống bơ phải tươi, lắc nhẹ có tiếng hạt lúc lắc bên trong.
Ruột bơ sáp Trịnh Mười, cơm vàng.
Tuy nhiên, có một số mẹo chọn bơ sáp ngon và chuẩn mà ít người hay biết:
+ Bơ sáp thông thường: Chọn những quả lành lặn, hạt bơ lúc lắc vừa phải và không bị dập. Nếu bơ bị dập lúc còn xanh, khi chín sẽ bị nũn, thâm đen, thịt bơ có sơ đen.
+ Bơ Trịnh Mười: Đây là giống bơ sáp quả to, được ông Trịnh Xuân Mười lai tạo thành. Đặc điểm là loại quả to, nặng tới cả kg. Ruột bơ vàng, ăn bùi và béo.
+ Bơ 034: Loại bơ có dạng thuôn dài, cơm vàng, ruột dày và hạt khá bé. Đây là một trong những giống bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, thịt nhiều và khá nặng.
+ Bơ booth 7: Là loại bơ sáp có dạng hình tròn, vỏ dày và sù sì. Tuy nhiên, ruột bơ vàng, béo và vận chuyển đi xa khá dễ dàng.
Thịt bơ sáp cắt lát có thể bảo quản khá lâu trong ngăn đá tủ lạnh.
2. Cách dùng và bảo quản bơ sáp ngon nhất.
Đa phần bơ sáp có vỏ màu xanh, khi chín vỏ hơi ngả sang màu xanh vàng hoặc tím. Vào thời tiết nắng nóng, bơ mua về chỉ cần 1 tới 2 ngày là chín đồng loạt. Nếu bảo quản không đúng cách, qua một ngày có thể vứt đi tất cả.
– Cầm trái bơ sáp, nắn hơi mềm là có thể ăn được. Tuyệt đối, không được để bơ chín nhũn quá mới ăn.
– Quả bơ còn xanh khi mua về không được để nguyên trong túi nilon. Nên xếp bơ ra rổ, để ở nơi thoáng mát cho chín dần và ăn những quả mềm trước. Nếu bơ chín đồng loạt phải để ngay vào ngăn mát tủ lạnh.
– Trái bơ cắt nửa bạn có thể thoa nước cốt chanh lên mặt, bọc kín và để trong ngăn mát được một ngày.
– Nếu không có nhu cầu ăn bơ ngay, bạn nên bóc vỏ, bỏ hạt và cắt thịt bơ thành lát. Xếp thịt bơ vào hộp hoặc túi nilon rồi để vào ngăn đá tủ lạnh ăn dần.
* Lưu ý khi bảo quản trái bơ sáp.
– Không được dùng tay lắc mạnh trái bơ nhiều lần sẽ khiến thịt bơ khi chín bị sơ đen.
– Tránh va đập bơ khi vận chuyển, dù khá cứng khi còn xanh nhưng lúc nhín dễ bị thâm đen.
* Lưu ý khi sử dụng bơ sáp để trong ngăn đá tủ lạnh.
Phần cơm của bơ sáp sau khi để trong ngăn đá, chỉ nên dùng làm sinh tố hoặc làm kem. Bởi vì, khi để ra bên ngoài rất dễ bị thâm đen, dùng làm salad sẽ không được ngon mắt.
– Thịt bơ sáp để trong ngăn đá không nên rã đông mà xay trực tiếp sinh tố bơ. Làm như vậy bạn sẽ không cần bỏ thêm đá lạnh, món sinh tố hay kem của bạn cũng đậm đà và hấp dẫn hơn.